Lễ hội đền Đức Hoàng – Phát huy giá trị văn hóa tâm linh người dân xứ Nghệ

Lễ hội đền Đức Hoàng từ lâu đã trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương. Năm nay, lễ hội được tổ chức từ ngày 27 tháng Giêng đến mùng 2 tháng 2 năm Mậu Tuất với nét linh thiêng trang trọng của phần Lễ và sự vui nhộn tưng bừng ở phần Hội.

Mỗi vùng đất, miền quê với những phong tục, tập quán, điều kiện, cách tổ chức, đặc trưng riêng đã tạo nên sự phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức cho các lễ hội. Lễ hội đền Đức Hoàng xã Phúc Thành huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An là một trong những lễ hội lớn tổ chức vào dịp đầu xuân ở huyện Yên Thành.

Năm nay, Lễ hội được tổ chức từ ngày 27 tháng Giêng đến mùng 2 tháng 2 năm Mậu Tuất (tức ngày 14 đến 18/3/2018). Đây là Lễ hội truyền thống hàng năm, được tổ chức trang trọng, nhằm tưởng nhớ công đức của Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, đồng thời đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách khắp mọi miền tổ quốc.

Nội dung phần lễ gồm: lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước, lễ mít, lễ đại tế, lễ tạ và lễ cầu siêu được diễn ra trong không khí trang nghiêm và linh thiêng.

le-hoi-den-duc-hoang

Phần rước Lễ tại Lễ hội đền Đức Hoàng

Điều đặc biệt thu hút du khách đến với Lễ hội đền Đức Hoàng có lẽ là ở phần hội. Xuất hiện trong phần hội có các trò chơi dân gian như chọi gà, kéo co, cờ tướng, cờ thẻ, đi cầu kiều, đấu vật truyền thống, đẩy gậy; thi trống tế giữa các dòng họ; đua thuyền; liên hoan văn nghệ các làng văn hóa; liên hoan câu lạc bộ dân ca các xã trong huyện; hội thi người đẹp đền Đức Hoàng và hội thả hoa đăng…

Theo nghi nhận, năm nay dòng người đổ về Lễ hội đền Đức Hoàng đông hơn các năm trước bởi sự chuẩn bị kỹ càng và chu đáo từ ban tổ chức, ngoài ra các hoạt động trong phần hội cũng đa dạng và tinh thần vui chơi thi đấu của các đội thi hăng hái hơn, tạo cho sân chơi đầy không khí vui nhộn và háo hức.

Cuộc thi đua thuyền tại Lễ hội đền Đức Hoàng

le-hoi-den-duc-hoang

Cuộc thi đua thuyền tại Lễ hội đền Đức Hoàng

Trong phần hội của lễ hội đền Đức Hoàng không thể thiếu phần thi đua thuyền. Góp mặt vào phần hội như như một “hủ tục” để cầu mưa thuận gió hoà, mong cho người dân có cuộc sống no đủ, tròn đầy trong suốt cả năm. Mỗi năm, cuộc đua thuyền tại đền Đức Hoàng đã thu hút tất cả các đội ở xã Phúc Thành của huyện Yên Thành cùng hội tụ về tranh tài. Những chiếc thuyền rồng được trang trí cờ phướn nhiều màu sắc, oai phong rẽ nước tiến lên như vũ bão trong tiếng reo hò cổ vũ, tiếng trống kèn của người dân tụ tập hai bên bờ sông.

le-hoi-den-duc-hoang

Các đội chuẩn bị xuất phát

Cuộc thi đua thuyền thật sự không dừng ở tính chất một cuộc thi tài thể thao mà còn là hoạt động mang tính văn hóa sâu sắc, lâu đời, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của các cư dân bản địa. Nếu có dịp một lần xem phần thi đua thuyền trên dòng sông Phúc Thành này, du khách sẽ có những cảm nhận chân thật nhất về nét đẹp của nền văn hóa phi vật thể của miền đất xứ Nghệ.

Sôi động cuộc thi kéo co tại Lễ hội đền Đức Hoàng

Dạo một vòng xem các trò chơi xuất hiện tại Lễ hội thì dường như trò chơi kéo co vẫn thu hút được đông đảo bà con đón xem, vì không khí vui nhộn và tiếng la hét ầm ĩ vang cả một góc sân.

le-hoi-den-duc-hoang

Cuộc thi kéo co

Khi cuộc thi kéo co sắp bắt đầu, mỗi đội 5 người cùng khởi động tay và chân để lúc vào kéo không bị trượt chân hoặc mất thăng bằng. Khi vào trận, thí sinh của hai bên hì hục giữ chặt lấy sợi dây thừng, chân cứ miết chặt xuống mặt đất. Hai bên giằng đi giằng lại nhau khiến khán giả mấy phen thót tim.

Trong sân, các “vận động viên” cứ giằng co nhau, tiếng thở hổn hển, gương mặt đỏ bừng và khí thế hào hùng. Ngoài sân, khán giả cứ hô lớn “Cố lên, Cố lên” dường như tiếp thêm sức mạnh cho người chơi. Tiếng reo hò xen lẫn tiếng vỗ tay đã khiến cho không khí trở nên sôi động và thú vị hơn.

Đu tiên – trò chơi đậm chất dân gian ngày xuân

le-hoi-den-duc-hoang

Màn nhào lộn trên không tại trò chơi đu tiên

Trên một khoảnh đất rộng của đền Đức Hoàng, sáu cây tre dài được chôn sâu đủ vững chắc để chịu được sức nặng của hai người cùng với lực đẩy quán tính. Hai cây tre làm cần đu nhỏ, vừa tay cầm được treo ở chính giữa. Lên đu có thể là một hay hai người. Càng nhún mạnh thì đu càng lên cao từ bên nọ sang bên kia, nhiều khi đu bay ngang ngọn đu một vòng. Ở nhiều nơi, người ta còn treo phần thưởng ở ngang ngọn đu để người đu giật giải.

Hình ảnh tà áo nhiều màu sắc bay cùng cần đu đưa lên vun vút trong tiếng hò reo cổ vũ của người xem thực sự trở thành một nét đặc trưng của Lễ hội đền Đức Hoàng. Trò chơi này ngoài tính thể thao, rèn luyện và giải t rí, còn là dịp để trai gái giao lưu, gần gũi, tỏ tình với nhau nhất là những ngày hội làng và những dịp xuân về.

Đi Cầu Kiều với những tràng cười sảng khoái

le-hoi-den-duc-hoang

Trò chơi đi Cầu Kiều

Trò chơi đi thăng bằng trên cây tre hay còn được gọi là Đi Cầu Kiều chính là phần chơi đầy thú vị và luôn là phần được người dân mong đợi nhất mỗi dịp lễ hội đền Đức Hoàng.

4 cây tre được chụm vào nhau và đóng chắc xuống đáy ao. Từ vị trí chụm lại của 4 cây tre, một sợi dây khác được buông thõng xuống nối với 1 cây tre khác nằm cao ngang hơn mặt nước ao một chút. Phần đầu của cây tre ở trên bờ.

Chỉ cần ai đi thăng bằng trên cây tre này ra và bấu được vào sợi dây buông thõng sẽ thắng. Lần này, mỗi phần là một tờ tiền mệnh giá 50,000đ được treo ở phần cuối của cây tre. Tuy nhiên do thân tre tươi khá trơn và lắc lư nên muốn giành chiến thắng đòi hỏi cần có sự nhanh nhẹn và khéo léo. Mọi người được cười sảng khoái khi liên tiếp chứng kiến những màn nhào lộn trên không rồi rơi xuống mặt ao của các bạn trẻ.

Ngoài những phần thi trên, Lễ hội đền Đức Hoàng còn thu hút người xem ở các trò chơi như thi trống tế các dòng họ, Thanh niên thanh lịch, bắt vịt…

Lễ hội đền Đức Hoàng là nét đẹp truyền thống góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của di tích và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân du khách thập phương khi du lịch Nghệ An nói riêng và Yên Thành nói chung. Về với Lễ hội đền Đức Hoàng ngoài tri ân với công lao đối với các bậc tiền nhân, du khách còn được hòa vào không khí lễ hội vui tươi, tham gia lễ rước các vị thần linh theo truyền thống địa phương với tấm lòng thành kính.

Bài: Thái An

Ảnh: Thành Vinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *