Phật giáo nước ta có nguồn gốc từ đất nước Ấn Độ thời cổ đại, được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm thông qua con đường truyền đạo từ các nước Trung Quốc, Miến Điện, Lào. Đạo Phật dạy con người phải sống lương thiện, không làm điều ác, biết tôn trọng tự nhiên. Tư tưởng nhân văn của đạo Phật và hệ thống chùa thờ Phật rất gần với tín ngưỡng văn hoá dân gian Việt Nam nên Phật giáo được tồn tại, phát triển dưới chế độ phong kiến.
Thời Lý, Trần, Phật giáo được coi là Quốc giáo. Hệ thống chùa được xây dựng ở khắp nơi từ kinh đô đến các làng quê, nó đã góp phần củng cố sự đoàn kết trong cộng đồng và mở mang dân trí của người Việt. Đó không chỉ là nơi ở của các vị cao tăng uyên thông được triều đình trọng dụng mà còn trở thành là sinh hoạt văn hoá tâm linh và là nơi dạy chữ cho nhân dân.

Cảnh chùa Bảo Lâm- Yên Thành
Khi nói về di tích chùa chiền trên địa bàn huyện Yên Thành, người ta không thể không nhắc đến chùa Gám và chùa Bảo Lâm, hai ngôi chùa này được coi là một trong những ngôi chùa đẹp nhất của tỉnh Nghệ An.Chùa Bảo Lâm xã Hoa Thành theo nghĩa chữ Hán thì Bảo nghĩa là quý báu, còn Lâm nghĩa là rừng. Về nghĩa thực, Bảo Lâm là ngôi chùa quý xây dựng trong một rừng cây. Về nghĩa bóng, tên chùa chỉ một công trình kiến trúc đẹp, linh thiêng, đứng đầu trong các ngôi chùa ở huyện Đông Thành dưới thời phong kiến.Chùa Bảo Lâm được xây dựng ở vùng đất cao, đẹp của làng Tràng Thành ngày xưa, có sông Dinh ôm ấp giống như đôi rồng chầu vào mặt nguyệt. Thế đất linh địa này được ca ngợi giống như “song ngư quần thực” – tức cá chép tranh mồi, nơi hội tụ được khí thiêng của đất trời, của thần và Phật. Ngày xưa, Hoàng tử Lê Long Toàn đã chọn để xây dựng dinh cơ, thành luỹ vào thời tiền Lê. Vùng đất cát trạch, nổi tiếng về phong thổ, địa lý đã sinh ra, nuôi dưỡng nhiều anh hùng, danh nhân như Phan Tất Thông, Phan Duy Thực, Phan Đăng Lưu, …
Chùa được xây dựng vào cuối thời Hậu Lê và được trùng tu, sửa chữa vào thời Nguyễn là nơi nhân dân thường đến để trừ hạn, giải oan, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài. Du khách đến thăm chùa có thể đi bằng các phương tiện giao thông khác nhau như hàng không với vé máy bay giá rẻ đi Vinh, rồi theo đường quốc lộ 1A, qua cầu bùng rẽ lên tỉnh lộ 538 bằng xe đưa đón sân bay Vịnh hoặc ô tô, tàu hoả, xe máy, xe đạp…
Chùa Bảo lâm là nơi thờ Phật tổ và các Chư Phật đã có công sáng lập, truyền bá đạo Phật trên thế giới như phật Thích Ca Mâu Ni,phật bà quan âm.
Chùa Bảo Lâm là công trình kiến trúc cổ. Từ khi được xây dựng cho đến hiện nay, chùa đã gắn bó với đời sống văn hoá của nhân dân và nhiều sự kiện lịch sử của huyện Yên Thành. Người dân Tràng Thành sống dưới chế độ phong kiến thường bị thiên tai, áp bức đe doạ nhưng chưa có người cứu giúp. Vì thế, ngôi chùa thờ Phật, miếu, đền thờ thần là nơi dân chúng gửi gắm khát vọng giải toả sự bất công trong của xã hội. Ngày thường, các ngày sóc, vọng vào ngày mồng 1 và ngày rằm, những tín đồ Phật tử thường đến chùa Bảo Lâm để giải hạn.Trước đây vườn chùa rộng rãi, trồng nhiều loại cây xanh bóng mát như bồ đề, trám, bộp, mít, sung, đa, vải, nhãn, tre, và các loại cây cảnh như tùng, trúc, cúc, mai, lan, hồng, …Tam quan của chùa được kiến trúc theo lối cổ, kết cấu vững chắc và trang trí câu đối, giống với mô típ của các chùa trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tam quan được xây bằng gạch, đá và vữa tam hợp, quy mô tuy nhỏ nhưng khá đẹp xây theo kiểu chồng diêm tám mái. Tầng trên có phần mái lợp ngói mũi, bờ nóc trang trí lưỡng long triều nguyệt, bờ dải uốn cong hình mũi đao. Mặt trước gắn xuyên hoa lá đề cách điệu, hai bên có trụ đỡ viết 2 chữ Hán, bên phía tay phải của du khách là chữ “Từ” và bên trái là chữ “Bi”. Tầng dưới được nới rộng so với tầng trên, góc mái uốn cong, phía trên xây tường. Ở giữa đắp nổi chữ Hán “Bảo Lâm tự” tức Chùa Bảo Lâm. Cửa chính phía dưới làm hình vòm cuốn, hai bên có các trụ đỡ bằng gạch mặt ngoài ghi câu đối bằng chữ Hán là:
“Hồng danh bất tử lưu kinh Phật
Chính khí như sinh miếu hiển Thần”.
Có nghĩa là:
“Danh lớn muôn đời lưu kinh phật,
Chính khí ngàn năm miếu hiển thần”.
Từ tam quan muốn vào lễ chùa phải men theo một con đường nhỏ láng bằng vữa xi măng dài khoảng 100 mét, bên trái là tường rào của trường tiểu học Hoa Thành, bên phải là ao chùa.
Đi hết con đường nhỏ, du khách sẽ đến một mảnh sân nhỏ, đó là sân ngoài của chùa Bảo Lâm. Sân nằm ở phía trước nhà Bái đường, hai bên sân có tường gạch xây thấp, phía trước có cột trụ nhỏ xây liền với nhà thiêu hương. Ở trước và trong sân bố trí một số hiện vật bằng đá như bia, khánh, rùa, tượng Quan Âm.

Bia đá cổ ở chùa Bảo Lâm
Chùa Bảo Lâm còn lưu giữ được nhiều cổ vật cổ, quý, có giá trị đặc sắc về kỹ, mĩ thuật cho đến ngày nay, là di sản quý được chùa gìn giữ và bảo vệ.
Căn cứ vào chữ ghi trên biển gắn ở tam quan thì thấy tam quan được kiến thiết vào năm 1840 dưới thời vua Thiệu Trị và tôn tạo ngày 4 tháng 3 năm 2001, tức năm Tân Tỵ.
Bia đá dựng trước sân có 3 loại khác nhau, hai tấm bia đá phía ngoài được tạc theo lối cổ, đều có chân bệ hình chữ nhật, thân hình trụ.Mỗi bia đá lại được tạc những vị thần khác nhau trấn giữ đền, có hình dáng và lối điêu khắc khác nhau, thể hiện sự tài ba của cha ông ta ngày xưa.. Dây là bảo vật cổ quý, khác lạ và đôc nhất còn sót lại trong số các bia đá còn lưu giữ ở tỉnh Nghệ An.Còn tấm bia thứ 3 làm bằng đá xanh, bệ hình chữ nhật, thân hình trụ khắc chữ Hán nói về quá trình xây dựng đình Bảo Lâm, sau này khi đình bị hư bia đá được đưa về dựng trước sân chùa.
Chùa là lối kiến trúc kết hợp hài hòa với thiên nhiên. Xung quanh di tích là một mảnh vườn đã bị thu hẹp nhiều so với trước đây. Phần đất bao quanh các công trình kiến trúc ở vườn chùa trồng các loại cây xanh như bồ đề, cây đại, cây đa, cây trám, cây mít… phía ngoài, còn có bàu sen. Tất cả đã tạo nên một không gian thơ mộng cho di tích.
Bên tả và bên hữu của vườn chùa là nhà bảo vệ mới được xây dựng vào năm 1972. Đây công trình kiến trúc này nhỏ, có 2 gian, mái lợp ngói âm dương, phía sau và 2 hồi xây tường gạch, phía trước có cửa chính và cửa sổ làm bằng gỗ. Khung nhà làm bằng gỗ và chỉ có 1 vì kèo ở giữa kết cấu kiểu giá chiêng. Phần nối ở 2 bên vì kèo là các đường hoành tải gác lên đốc tường đỡ mái ngói… Nền nhà lát gạch nung màu nâu sẫm. Khi cần có thể sử dụng làm bếp, tiếp khách, chuẩn bị đồ lễ. Nhà bảo vệ được sử dụng làm nơi nghỉ của cụ Từ trông chùa.
Phía trước nhà Bái đường là nhà Tả vu còn được gọi là nhà “Phân Y – Thi Thực” – tức là nhà “chia cơm – ban áo”. Công trình xây dựng cạnh nhà Tiền đường. Nhà Tả vu nhỏ, thấp và được đặt dọc. Mái nhà lợp ngói âm dương và không có vì kèo. Nền nhà lát gạch nung màu nâu sẫm. Phía sau và 2 hồi xây tường gạch. Mảng tường phía trước ở trên đắp nổi chữ Hán “Tất Thánh dã” tức “Thánh ở đây”.
Phần sân nhỏ trước nhà tả vu là 1 bệ thờ bằng gạch để phật tử và du khách hành lễ.
Đối diện với nhà Tả vu sẽ là nhà Hữu vu. Nhà Hữu vu có phần vỏ kiến trúc tương đối giống với nhà Tả vu. Chỉ khác về trang trí, câu đối, đồ thờ ở nội thất và các mảng tường.
Tiền đường là một trong những kiến trúc chính của chùa Bảo Lâm. Công trình này nằm ở phía sau sân chùa, là nơi hiến lễ, dâng hương, cầu yên, giải hạn, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài của các phật tử và du khách. Kiến trúc nhà tuy nhỏ nhưng có kiểu dáng, phong cách của một công trình chùa Việt ở xứ Nghệ. Nhà Tiền đường được xây dựng vào năm 1840 – triều Thiệu Trị thứ nhất. Nhà Tiền đường được làm bằng gỗ, gạch, ngói… Mái nhà Bái đường lợp ngói âm dương, bờ nóc, bờ dải đắp thẳng. Nhà có 3 gian, 2 hồi, đốc tường xây bằng gạch vữa, nền nhà lát gạch màu đỏ sẫm. Phía trước đóng mở bằng hệ thống cửa bàn khoa. Cửa chính ở giữa có 4 cánh kiểu thượng song, hạ bản, phía sau để trống thông ra sân nhà Thượng điện.. Cửa phụ làm bằng ván dổi. Cánh cửa được đặt trên các địa thu có ngưỡng ở 2 bên nên khá chắc chắn. Bộ khung của nhà được làm chủ yếu bằng gỗ lim, gỗ mít. Vì kèo kết cấu theo kiểu giá chiêng kẻ chuyền mà người địa phương gọi là kiểu tiền trụ kẻ chuyền, làm cho không gian được thoáng, rộng và bền vững. Các bộ phận liên kết giữa chi tiết vì kèo, xà hạ… với hệ thống cột cái, cột con được lắp ghép bằng sàm, mộng. Phương pháp và kỹ thuật truyền thống này vừa đảm bảo cho tòa nhà thêm vững chắc trước thời tiết khắc nghiệt của gió bão.
Để cho đốc tường phía tây và phía đông của nhà Tiền đường đảm bảo sự hài hoà, bền vững, những người thợ xây đã sáng tạo thêm hai cột đỡ ở góc mái. Trên hai cột đỡ ấy có trang trí các câu đối bằng chữ Hán. Câu đối mặt trước:
“Thập phương giáng giám phù thế sự
Tam bảo chứng minh cứu độ dân”.
Và được dịch nghĩa là:
“Mười phương chiếu xuống soi nhân thế
Tam bảo chứng minh rọi chúng sinh”.
Mặt trong là câu:
“Vểnh tai xe ngựa qua đường tục
Mở mắt non sông tới cửa thiền”.
Trong nhà tiền đường có treo một chiếc chuông đồng được đúc vào năm Bính Dần (1926) do hai thôn Thượng và thôn Trung phụng sự. Phía dưới có 1 bàn thờ xây bằng gạch, vữa. Ở trên bàn thờ bày lọ hoa, lư hương và 3 mõ gỗ. Đây là nơi Phật tử tụng kinh niệm Phật, du khách hiến lễ, quỳ lạy trước đức Phật và các thần linh.
Nhà Hậu cung đặt dọc theo chiều Nam Bắc, thấp và nhỏ hơn nhà Tiền đường. Mặt trước để trống, khung nhà Hậu cung làm bằng gỗ lim, gỗ mít khá vững chắc. Công trình này được bố trí theo chiều dọc để tạo độ sâu về không gian tâm linh. Kết cấu bộ vì được tạo dáng theo mô típ kiến trúc thượng kèo, hạ kẻ. Nhà có 3 vì kèo, kết cấu theo kiểu giá chiêng kẻ chuyền. Vì nách kết cấu theo kiểu chồng rường đấu đã làm cho công trình có vẻ đẹp riêng. Bộ phận vì nách nới thêm ở phía trước được làm theo kiểu chồng rường đấu. Căn cứ vào dòng chữ khắc trên ván mê của vì nhà thượng điện được làm vào năm 1933 dưới triều vua Bảo Đại.
Nhà Hậu cung là nơi thờ Phật hết sức linh thiêng. Ở đây được bài trí nhiều loại đồ thờ quý giá được làm các vật liệu như bằng gỗ, đá, đồng, sứ, vải, giấy… có giá trị cao về lịch sử, mỹ thuật, cần được bảo vệ và phát huy.

Lễ Vu Lan tại chùa Bảo Lâm
Trước đây, ở chùa Bảo Lâm có rất nhiều đồ thờ nhưng do các biến động về mặt thời gian, về lịch sử nên hiện nay, ở đây chỉ còn lại 2 công trình kiến trúc cổ là Tiền đường và Hậu cung và một số hiện vật, đồ thờ khác nhau làm bằng các chất liệu gỗ, đồng, gốm sứ, giấy vải…
Hàng năm, vào ngày ngày 14 tháng 4 Âm lịch ở dân làng Tràng Thành và nhiều làng khác ở huyện Đông Thành đã long trọng tổ chức lễ Phật đản để hiến dâng lễ vật, tưởng nhớ Chư Phật, các Thành hoàng làng đã có công “Hộ quốc tí dân”, đồng thời, cầu mong đức Phật thần linh sẽ cứu giúp mọi người thoát khỏi bệnh tật, ốm đau, chiến tranh, bão lụt… Lễ Phật Đản ở chùa Bảo Lâm đã thu hút hàng vạn người đến tham dự. Đến chùa Bảo Lâm, nhân dân, du khách thập phương còn có dịp tham gia các sinh hoạt văn hoá hướng về nguồn cội. Ở đó, các tín đồ và du khách có thêm hiểu biết về Phật giáo, cuộc đời và sự nghiệp của anh hùng, danh nhân có công. Lễ hội chùa Bảo Lâm tưng bừng náo nhiệt đã phán ánh truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần lạc quan hướng thiện của nhân dân xứ Nghệ.
Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng mà chùa còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương.
Trong phong trào văn thân Cần Vương chống Pháp ở thế kỉ thứ XIX, nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã đã bí mật lấy chùa Bảo Lâm làm nơi ẩn náu, gặp gỡ để xây dựng lực lượng đánh giặc.
Trong cao trào cách mạng 1930 – 1931, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, và cuộc vận động đấu tranh chống thực dân Pháp giành chính quyền từ 1939 – 1945, nhiều chiến sỹ cách mạng như: Nguyễn Phong Sắc, Phan Đăng Lưu, Phan Đăng Thành, đã dựa vào chùa Bảo Lâm, đình Bảo Lâm, đền Cả và sự ủng hộ của nhân dân Yên Thành để xây dựng cơ sở cách mạng, đấu tranh chống thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai góp phần giành giữ độc lập dân tộc.
Có thể nói, chùa Bảo Lâm là công trình kiến trúc cổ rất có giá trị về lịch sử, văn hoá, kiến trúc và nghệ thuật. Chính vì những giá trị to lớn đó, năm 2012, chùa Bảo Lâm đã được công nhận là di tích Lịch sử – Kiến trúc Quốc gia và trở thành một điểm đến hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua khi về thăm xã Hoa Thành.