Yên Thành – Đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm

Yên Thành là một huyện nằm ở phía Bắc Nghệ An, tiếp giáp với huyện Diễn Châu và Đô Lương, là địa phương đang xuất hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm H5N1, H5N6 gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Đặc biệt, thời điểm sau tết Nguyên Đán, diễn biễn của thời tiết thất thường, độ ẩm tăng làm gia tăng các ổ dịch cúm gia cầm.

Để phòng tránh và giảm thiệt hại do dịch cúm gia cầm cho bà con chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, huyện đã có những biện pháp đẩy mạnh phòng tránh và ngăn chặn dịch lây lan. Ngành chăn nuôi, thú y huyện phối hợp với cơ sở tổ chức tiêu độc khử trùng vùng thường bị dịch uy hiếp, vùng đệm và chú trọng địa bàn có nguy cơ lây nhiễm dịch cao… Đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho đàn vật nuôi để nâng cao sức đề kháng, chủ động tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn vật nuôi.

Ông Phạm Tuấn Hải – Phó trưởng trạm chăn nuôi thú y huyện Yên Thành cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch gia cầm, trạm phối hợp với phòng nông nghiệp tham mưu cho UBND huyện ra Công điện, các kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong vụ đông xuân. Trạm cũng đã ra thông báo, hướng dẫn thú y cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh như: khi thấy gia cầm, thủy cầm ốm chết phải báo ngay với chuyên môn, tuyệt đối không dấu dịch; không ăn thực phẩm gia cầm, thủy cầm ốm chết; không vứt xác gia cầm, thủy cầm ra môi trường; không bán chạy vật nuôi khi có dấu hiệu bị bệnh.

Đối với những hộ khi nhập đàn phải vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, phun khử trùng tiêu độc và để trống chuồng nuôi 15-20 ngày; đối với con giống phải rõ nguồn gốc và thực hiện nghiêm lịch tiêm phòng theo quy định của pháp lệnh thú y.

Trong phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, sự vào cuộc của các chủ gia trại, trang trại, hộ chăn nuôi là yếu tố quan trọng hàng đầu, có như vậy mới  giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về kinh tế và bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng

Anh Vũ Khắc Thư cho biết: “Trong chăn nuôi sợ nhất là dịch cúm gia cầm H5N1, vì thế cứ theo định kỳ 6 tháng tiêm phòng một lần, nhưng khi vùng phụ cận có dịch uy hiếp thì 3 tháng phải tiêm nhắc lại. Bên cạnh đó, mỗi tuần phải phun khử trùng 2 lần kết hợp rắc vôi bột để vệ sinh chuồng trại”.

ST

Nguồn: Báo Nghệ An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *