Thu không của riêng ai, nhưng tại sao thu trong thi ca lại đa sắc, đa dạng, lại vui, buồn, sầu đến vậy. Những ca từ, tiếng hát cất lên từ trái tim người nghệ sĩ lại khiến người nghe hoang hoải đến lạ. Có chút gì đó dấm dứt, không quá nóng bỏng như hè nhưng cũng chả băng giá như đông, chút gì đó khó diễn tả… Cùng thưởng thức bài thơ “Đã sang thu” của tác giả Trần Lan sau đây:
ĐÃ SANG THU
Miếng cơm manh áo mãi mê đu
Chớm lạnh giật mình thấy đã thu
U ám mây đưa chòm lá rụng
Nhạt nhòa gió đẩy ánh trăng lu
Tóc xanh những ước mang tiền tỷ
Đầu bạc ai ngờ chỉ mấy xu
Thế thái nhân tình đang đếm giở
Vườn sau ngõ trước trắng sương mù
Thu có gì cuốn hút đến vậy mà nhiều nhà thơ nổi tiếng phải ngả bút tự trào thành các thi phẩm? Trong không gian thu, cái gì cũng đẹp, đến lung linh huyền ảo, thu bắt đầu từ khi chiếc lá bàng đang xanh rì giật mình uốn cong chuyển vàng rồi sang sắc đỏ.
Tuy nhiên, thu cũng đượm buồn đến lạ. Thu trong thơ Trần Lan chất chứa nhiều tâm trạng, nỗi u hoài khi con người cứ mãi mê đuổi theo công danh sự nghiệp, để rồi cuối đời ngẫm lại tất cả chỉ là hư vô.
Bài thơ “Đã sang thu” là lời của tác giả muốn nhắn nhủ đến chúng ta rằng, thời gian vũ trụ thì vô hạn nhưng đời người thì có hạn, đừng mãi mê theo đuổi công danh để rồi khi về già, những thứ vật chất đó không thực sự có giá trị như chúng ta từng mơ, thứ quan trọng nhất vẫn là tình người, là sự yêu thương và gẫn gũi bên nhau.
Đọc thơ của Trần Lan, nghiệm lại thấy nghệ thuật thơ ca làm được gì cho con người – qua các bài thơ của ông, người đọc thấy được một điều rằng: con người tới gần nhau hơn, nếu thi ca còn bị cách trở bởi ngôn ngữ, thì hãy biến nó thành một lời nhắn nhủ và tri ân.
Thu bảng lảng sương khói, dù ở bất kỳ đâu những nét thu cũng quen thuộc lạ thường!
Thơ: Trần Lan
Bình: Thái An