Ai về Yên Thành quê tôi, nhìn đôi dòng sông Dinh lượn lờ ôm dãy rú Gám, để nghe tiếng thở của đất, của nước, của câu hò ân tình đất mẹ. Nơi ấy còn có cả những di tích lịch sử những công trình cách mạng gắn liền với một thời máu lửa oai hùng.
Nhưng sự đa dạng về phong tục tập quán và tín ngưỡng đã làm nên một Yên Thành đầy sắc màu, mộc mạc, bình dị nhưng cũng đầy tính tâm linh.
Khám phá Yên Thành trong chuyến du xuân cùng vé máy bay giá rẻ đi vinh, vượt qua quãng đường hơn 70 km trên chiếc xe đưa đón sân bay Vinh cùng tìm hiểu về một tín ngưỡng độc đáo ở vùng đất này tại phủ thờ Trần Đăng Dinh.
Phủ thờ Trần Đăng Dinh, trước Cách mạng tháng Tám 1945, nằm ở thôn Phúc Thọ, tổng Quan Hóa, phủ Diễn Châu, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An. Sau năm 1945, đền thuộc vùng đất của xã Giai lạc, huyện Yên Thành. Từ năm 1953 xã Giai Lạc chia thành ba xã Đồng Thành, Phúc Thành và Hậu Thành thì di tích thuộc xã Phúc Thành, huyện Yên Thành và tồn tại cho đến ngày nay.
Chỉ mới nghe tên di tích du khách cũng có thể đoán được nhân vật được thờ trong Phủ là ai? Vâng, đó là Phủ thờ ngài Trần Đăng Dinh, một “liêm dũng tử”, một vị phúc thần có công dẹp loạn và lập làng ở cuối thế kỷ 17.
Theo Tộc phả họ Trần Giai Lạc, Trần Đăng Dinh húy tên Càn, tự là Cương Nghị, còn tên gọi khác là Doanh Doanh. Ông sinh ngày 20 tháng 7 năm Canh Thân tức năm 1620, trong một gia đình làm quan dưới thời Lê -Mạc. Cha ông, cụ Trần Tuấn Kiệt vốn dòng dõi họ Trần có sức khỏe tốt, tinh thông võ nghệ là cháu 5 đời của Trần Nguyên Hãn… đã có công giúp Lê diệt Mạc.
Thuở nhỏ, Trần Đăng Dinh được học chữ Hán, kinh sách ,lớn lên được cha dạy võ, học các binh pháp cổ, ông tiếp thu rất nhanh nên được thừa nhận là người có tài văn võ. Không giống như những cậu ấm con quan thích sống trong nhung lụa, Trần Đăng Dinh tính tình phóng khoáng, thích giao du với các bạn nghèo. Hàng ngày, ngoài giờ học, ông thường theo các bạn cac bạn lên núi chăn trâu, vui đua, thường trêu chọc bọn hào lý trong vùng.Dau này, vùng đất quê nhà không còn là nơi để ông vùng vẫy, tỏa sáng, ông đã khăn gói lên đương ra kinh thành, tìm bạn dao du, mở rộng kiến thức, mong muốn một ngày trở thành vị quan giúp dân.
Vốn là người học rộng tài cao và là người có quan hệ rất sâu đậm với Nhà Mạc- chúa Trịnh lúc bấy giờ.Đồng thời là một người có tấm lòng nhân hậu thương dân, am hiểu lòng dân, xót cảnh xóm làng tiêu điều, ông đã giúp dân lập lại ấp làng, động viên con cáu làm ăn để thoát khỏi cảnh tha hương cầu thực.
Trần Đăng Dinh không chỉ giỏi làm tướng cầm quân đánh giặc mà còn là người biết nhìn xa trông rộng, am hiểu lòng dân. Ông đã khuyên vua Lê, chúa Trịnh chấn chỉnh lại việc học ở đàng ngoài, định lại lễ thi hội, kén chọn những người tài giúp nước. Tuy là vị tướng được hưởng nhiều bổng lộc nhưng với bản chất cương trực, liêm khiết, của con người xứ Nghệ, Trần Đăng Dinh vẫn sống giản dị. Ông luôn day dứt trước cảnh đất nước bị chiến tranh, loạn lạc do bọn vua chúa bất tài gây ra nên đã có lần ông bày tỏ, căn dặn binh sĩ phải biết nghĩ đến dân, đến nước. Trong đợt theo chúa Trịnh Tạc lên Cao Bằng bắt Mạc Kính Vũ, Trần Đăng Dinh đã thể hiện tài thao lược của mình, vừa cùng quân lính xông pha đánh giặc, vừa bày mưu giúp chúa dùng kế ly gián kẻ thù, thu phục được nhiều tù trưởng quay về với triều đình… làm cho quân của Mạc Kính Vũ thua trận, bỏ đất Cao Bằng sang ẩn náu tại Trung Quốc.Sau nhiều trận mạc Yên Ổn, Trần Đăng Dinh về Nghệ An thăm quê, ông đã bỏ tiền , vận động nhân dân sơ tán trở về phá đồi, mở đất, khai hoang lập làng Hương Tô, Thuần Vị, Vũ Kỳ, Phú Cam,Yên Sơn, Thọ Sơn, hiến ruộng làm đình cho 2 làng Diệu Ốc,Đức Lan.Không chỉ thế, ông còn cho lập chợ Mõ để người dân giao lưu, buôn bán.
Năm 1691, Trần Đăng Dinh qua đời, triều đình đã cho thủy binh đưa quan tài về an táng tại làng Yên Thọ, bài vị của ông được con cháu rước về thờ ở làng Yên Sơn.
Trần Đăng Dinh là vị tướng có công đánh giặc an dân, chiêu dân, lập làng, mở chợ. Ông là tấm gương sáng cho đời ở tài thao lược, ở tinh thần hiếu học, ở đức thương dân, ở tính cương trực. Ông được người đời coi là “Liêm dũng tử”, vị phúc thần và được nhiều làng lập đền thờ nhưng đền thờ chính được đặt ở làng Nam Sơn, xã Phúc Thành ngày nay.
Nói về Phủ thờ Trần Đăng Dinh còn có một tên gọi khác đền thờ Trần Đăng Dinh được xây dựng và hoàn thiện dần trong một khoảng thời gian khá dài, bắt đầu vào cuối thế kỷ 17 dưới thời Lê – Trịnh, đến khoảng những năm đầu của triều Nguyễn. Phủ thờ nằm trên vùng đất rộng 5 mẫu, giữa một quần thể trù mật, có làng mạc, chợ búa và một số kiến trúc nhà dân bằng gỗ cổ ở xung quanh. Khu đền Trần Đăng Dinh bao gồm: Đền chính, nhà Hậu cung – nhà Thủ từ, nhà Tả vu, nhà Hữu vu, sân trước, cổng Tam quan, giếng nước và tường bao.
Đến năm 1938, nhà kiệu, nhà bia và tam quan được làm mới. Năm 1993, Phủ thờ được trùng tu lần đầu tiên. Đến nay, công trình di tích nằm trong tình trạng xuống cấp, các nhà Bái đường, nhà kiệu, Thượng điện đều bị hư hỏng nặng, các đồ thờ, đồ tế khí không còn đầy đủ như xưa. Đầu năm 2008, Phủ thờ được tu bổ chống xuống cấp và chỉ chống dột tạm thời cho mái Đền. Do nguồn vốn đầu tư còn nhỏ lẻ nên việc trùng tu, tôn tạo chỉ mang tính chắp vá và thiếu linh hoạt. Hiện nay, công trình vẫn xuống cấp nghiêm trọng, chỉ có tòa đền chính là còn giữ được tương đối nguyên vẹn về kiến trúc cơ bản ban đầu, đó là dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Nhà Tả vu, Hữu vu đã bị dỡ bỏ chỉ còn lại dấu vết móng, còn nhà Hậu cung bị hư hỏng nặng.
Trong khu điện thờ Tam quan là công trình to nhất, đẹp nhất của Phủ thờ Trần Đăng Dinh. Tam quan được mở theo hướng Đông Nam, xây dựng theo kiểu chồng diêm. Cửa bên dưới rộng 2m, có hình vòm cuốn để tạo dáng và nâng đỡ cho tầng trên. Mái dưới ngắn, mái trên có bờ giải, uốn cong hình đầu đao, được lợp bằng ngói mũi. Ở hai đầu nóc mái đắp hai hình đầu rồng, giữa là hình lưỡng long chầu nguyệt. Các mặt tường trước và sau đều được trang trí hoa văn hình thú, chim, cỏ cây… rất gần gũi với đời sống của người dân. Mảng bên dưới mặt trước cửa chính được đắp mặt rồng với cặp mắt lồi, miệng há thể hiện sức mạnh; chim phượng sải cánh bay lượn giữa không trung; những con cá chép đang cố vượt qua làn sóng bạc; những cành hoa cúc, hoa đào màu sắc rực rỡ đan xen vào nhau. Phần cửa tầng trên đặt một hương án xây bằng gạch vôi vữa, làm nơi để đặt hương hoa, đồ tiền cúng. Mặt tầng 2 bên tầng lầu cũng đắp dây hoa. Trên đỉnh của lầu được đắp một bức cuốn thư, phần trên uốn cong hình e – lip có hoa văn chữ T, các đường diềm 2 bên đắp 2 cành đào, 1 đôi cán gươm có khắc 2 con rồng cách điệu… Từ cửa chính của tam quan, nối dài hai bên phía tả, hữu là các mảng tường gọi là tường giắc xây phẳng, hơi thấp để liên kết với các chi tiết khác và có đắp ngựa, voi và ở đỉnh trụ có đắp hoa sen. Thân trụ tường có cả tàu voi, tàu ngựa, kiểu giống như trụ đăng có khắc câu đối. Hai cửa phụ của tam quan cũng được xây theo kiểu chồng diêm, cửa ra vào hình vòm cuốn, phần trên xây kín, hai lớp mái lợp ngói mũi, đầu các góc mái đều uốn cong.
Toàn bộ Tam quan Phủ thờ được xây bằng đá, gạch chỉ mỏng, màu đỏ. Tam quan không chỉ có chức năng ra vào mà còn là điểm lưu giữ các loại hình trang trí.Cũng như các đền khác, qua cổng tam quan là sân đền. Sân đền được láng bằng vôi, có diện tích là 576m2, đã tạo thêm sự thoáng mát cho ngôi đền mỗi khi tổ chức tế lễ.
Nhà Bái Đường rộng thoáng mát, nền nhà được lát gạch vuông màu đỏ, sương nhà làm bằng gỗ lim, lợp ngói mũi hài. Nhà Bái Đường nhiều cột, làm theo kiểu tứ trụ, thượng xông , hạ kẻ. Nhà được xây vào năm Canh Tuất, sửa chữa năm 1911, dưới triều vua Duy Tân “Canh Tuất trung tu hoàn thành, Duy Tân tứ niên tu lý”. Ngoài các chi tiết gỗ, tường xây, ở đầu kẻ của bốn góc của mái nhà có 4 trụ đứng xây bằng gạch, vôi, cát. Ở mặt trước, có 2 đoạn tường nối giữa các trụ với cột con của mái nhà. Trên các thân trụ đều được khắc câu đối với nội dung nhắc lại công đức của các vị thần được thờ trong đền.
“ Nhật nguyệt chiếu tiền quang”, được đối lại là “Sơn hà thùy hậu dụ”.
“Danh phù quốc trụ quang tiền sử”, được đối lại là “Kiến lập cư dân thế hữu từ”.
Hệ thống cột, kèo, xà,.. được liên kết với nhau bằng kỹ thuật sàm mộng truyền thống. Ở góc tiếp giáp giữa cột với xà có chạm nổi hoa văn hình lá. Nhà Bái đường là nơi lưu giữ các đồ thờ cúng tổ tiên và là nơi gặp gỡ, nghỉ ngơi, chờ đợi của con cháu trong những ngày giỗ, lễ, tết.
Nhà Bái đường được bài trí khá đơn giản, nổi bật và đáng chú ý nhất trong các đồ thờ tại đây là hương án sơn son thếp vàng, trên hương án có đặt bát hương và đồ tế khí.
Nhà bia trong điện trước đây là nhà Tả vu, dùng làm nơi nghỉ ngơi và bày biện đồ cúng lễ. Chính giữa nhà bia có đặt một tấm bia lớn làm bằng đã cẩm thạch, khắc chữ Hán và trang trí hoa văn bốn mặt. Trán bia có hình mai rùa và trang trí rồng, nguyệt. Các đường viền quanh mặt bia chạm khắc giải mây, giải hoa. Theo niên đại được ghi trên bia và đối chiếu với Tộc phả thì bia được làm vào triều Lê Chính Hòa thứ 15 (1695). Nội dung khắc trên bia nói về thân thế, công tích của Trần Đăng Dinh và nghi lễ thờ cúng.
Và trong cùng là nhà Thượng điện, có diện tích là 89,6 m2, kết cấu theo kiểu giá chiêng. Nhà có 5 gian và cả 5 gian đều được đặt bàn thờ và các đồ tế khí.
Tại đền thờ hiện nay còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử và văn hóa bằng các chất liệu khác nhau. Hiện vật bằng đá có cột cắm cờ, phỗng, sư tử, cột hương, bia, bể đựng nước; Hiện vật băng đồng thì có chiêng, não bạt, cọc nến; Hiện vật bằng sứ thì có bát hương, chén; Bằng gỗ và da thì có trống; bằng gỗ và sơn thì có hương án, bàn thờ, kiệu, khám thờ, khay chân quỳ, hộp đựng sắc, ống hương, mâm cỗ bồng, cây hoa, long ngai, giá, đại tự, câu đối.
Năm 1992, Phủ thờ Trần Đăng Dinh được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia. Ngoài việc trông coi, gìn giữ của dòng họ Trần, Phủ thờ còn chịu sự quản lý của ngành Văn hóa huyện và khu di tích còn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Hiện nay, Phủ thờ Trần Đăng Dinh ngoài chức năng là Nhà thờ của dòng họ Trần thì Phủ còn có chức năng như một ngôi Đền làng dùng làm nơi hội họp của thanh thiếu niên, hội người cao tuổi ở địa phương và tổ chức các lễ hội của làng, xã. Chính những tập tục truyền thống đã làm cho phủ thờ ngày nay trở nên quan trọng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân.
Phủ thờ Trần Đăng Dinh cùng với di tích Đền Đức Hoàng – Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia và Nhà thờ họ Nguyễn Trọng và Mộ Mạc Phúc Thanh trog tương lại sẽ là một tour du lịch hấp dẫn khi du khách về thăm Yên Thành. Nó xứng đáng là điểm dừng chân cho du khách đến tham quan, tìm hiểu và học tập về một danh nhân của huyện Yên Thành nói riêng của dân tộc nói chung.